399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Thông tin thêm tại buổi giao ban do Bộ Công thương tổ chức sáng 4/8, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, trong tổng số 83,5 tỉ USD xuất khẩu của 7 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đóng góp 55,8 tỉ USD. Đi vào chi tiết, theo người đứng đầu Vụ Kế hoạch, trong nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến do khối FDI làm chủ lực tiếp tục đóng góp thêm cho kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Đơn cử, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện qua 7 tháng đã xuất khẩu được 13,2 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là hàng dệt may cũng đạt 11,5 tỉ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, một số mặt hàng cũng có kim ngạch xuất khẩu tốt như: giày dép đạt 5,8 tỉ USD, tăng 21,8%; thủy sản đạt 4,2 tỉ USD, tăng 25,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 4,1 tỉ USD, tăng 22,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỉ USD, tăng 14,9%; cà phê đạt 2,3 tỉ USD, tăng 22,9%; hạt tiêu đạt 888 triệu USD, tăng 46,1%.
Tuy nhiên, tại buổi giao ban, lãnh đạo Vụ Kế hoạch cho biết, trong 7 tháng đầu năm nhóm nông lâm sản vẫn ghi nhận những khó khăn do giá và lượng của nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, sắn... bị sụt giảm. Đơn cử, xuất khẩu gạo đạt 3,9 triệu tấn, tương đương 1,7 tỉ USD, giảm 8% về lượng và giảm 4,7% về kim ngạch; sắn và các sản phẩm của sắn đạt 2 triệu tấn, tương đương 650 triệu USD, giảm 5,9% và giảm 6,7%; cao su đạt 454 nghìn tấn, tương đương 832 triệu USD, giảm 9,5% và giảm 32%; than đá đạt 4,9 triệu tấn, tương đương 371 triệu USD, giảm 37,6% và giảm 33,9%; xăng dầu đạt 671 nghìn tấn, tương đương 636 triệu USD, giảm 15,7% và giảm 13,6%.
Chỉ ra những bất cập của nhóm ngành nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, do trình độ canh tác, công nghệ và quản lý điều hành vẫn còn hạn chế, sự liên kết và phối hợp của các thành phần trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa cao đã dẫn đến những yếu kém của ngành này.
Minh họa thêm, thứ trưởng nói "Nông dân chỉ biết sản xuất, doanh nghiệp chỉ chú trọng xuất khẩu những mặt hàng thị trường có nhu cầu trong khi ngân hàng chỉ cung ứng tín dụng cho các dự án mang tính khả thi… chứ chưa phối hợp với nhau để sản xuất ra những sản phẩm thực sự có chất lượng và thương hiệu".
Chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2014, như kế hoạch từ đầu năm, ngành công thương sẽ phấn đấu để đạt kim ngạch xuất khẩu là 146 tỉ USD, tăng 10,6% so với năm 2013 và thặng dư thương mại đạt 500 triệu USD. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ khi kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Cụ thể, tháng 7 ước tính đạt 12,7 tỉ USD, tăng 1,8% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 82,2 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 36,2 tỉ USD, tăng 13% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 46 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý là nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 3,44 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 3,47 tỉ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ, trong đó 2 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 7 tháng qua vẫn là điện thoại di động với giá trị lên tới 651 triệu USD; ngoài ra ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ với số lượng lên đến 14.364 chiếc, tương ứng giá trị là 168 triệu USD.
Về thị trường, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức rất lớn, báo cáo cho thấy, trong 7 tháng Việt Nam đã nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 23,4 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2013, đưa mức nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 14,8 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Để đạt được mục tiêu đề ra, tại buổi giao ban, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, bộ đang đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan và thúc đẩy xuất khẩu.
Trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT thôn tập trung tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp thông qua liên kết và hình thành những chuỗi giá trị trong sản phẩm xuất khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp và nông dân gắn kết với nhau, tránh tình trạng được mùa mất giá, đảm bảo đủ chân hàng cho sản xuất.