LÀM ĐẸP TỰ NHIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Sức khỏe
  • Nguy hiểm phía sau bệnh trầm cảm sau sinh

Nguy hiểm phía sau bệnh trầm cảm sau sinh

Đằng sau các ảnh hưởng về tinh thần và thể chất của bệnh trầm cảm gây ra, nó còn đặc biệt nguy hiểm hơn với các chị em sau khi sinh và đang được báo động trong xã hội.

Nguy hiểm phía sau bệnh trầm cảm sau sinh

Sau sinh là giai đoạn chị em gặp nhiều khó khăn nhất, bởi nó ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe của bà em, mà còn làm tinh thần bị sa sút, thường xuyên có những suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Dần dần, khi không được sự quan tâm và can thiệp kịp thời từ người thân trong gia đình, các bà mẹ trẻ sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm làm thay đổi xu hướng tâm lý.

Tâm trạng trở nên lầm lì, ngại giao tiếp với mọi người, thể trạng luôn mệt mỏi… là những biểu hiện thường có ở phụ nữ sau sinh vì họ vừa trải qua một cơn “vượt cạn” đầy mệt nhọc sau khi sinh em bé. Với nhiều người thân, khi thấy bà mẹ trẻ có những biểu hiện đó thường khá chủ quan. Nhưng trong thời đại mà trầm cảm dễ xảy ra, mọi người đừng nên quá chủ quan, bởi một khi mắc phải chứng bệnh tâm lý này, nó sẽ rất nguy hiểm cho các mẹ và con nhỏ.

Mới đây, cả nước rúng động với việc một người mẹ trẻ ở Hà Nội mắc chứng trầm cảm sau sinh đã sát hại chính đứa con mình rứt ruột sinh ra. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về một căn bệnh được xem là “sát thủ” thầm lặng đối với những phụ nữ sau sinh: bệnh trầm cảm.

Bệnh trầm cảm sau sinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người mẹ mà ngay cả em bé cũng bị ảnh hưởng.

* Không kiểm soát được hành vi

Khi đang làm việc, anh L.T.C. (ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) nhận được điện thoại của vợ thông báo muốn tự tử. Anh nghĩ vợ đùa nên nói qua loa cho qua chuyện, nhưng một lúc sau vợ anh lại nhắc đến ý định muốn tự tử.

Lúc này, anh linh tính chuyện chẳng lành và mau trở về nhà nói chuyện với vợ, mới nhận ra vợ anh có nhiều suy nghĩ bất ổn, tâm trạng rất căng thẳng, chỉ nghĩ đến việc tự tử.

Sau này đi khám bệnh anh biết vợ mình bị trầm cảm sau sinh khi con gái anh sinh non, vợ anh phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm; con quá yếu ớt phải nằm trong lồng kiếng, lại mang nặng tâm lý sinh con gái một bề nên chị trở nên căng thẳng quá mức.

Hay như trường hợp của chị L.H.T. (35 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã có 1 con gái, khi sinh đứa con trai thứ 2 vợ chồng chị rất vui mừng. Tuy nhiên từ khi sinh thêm con, gánh nặng gia đình dồn lên vai chồng làm công nhân.

Cuộc sống trở nên khó khăn, chật vật nên chị T. hay cáu gắt một cách vô cớ với chồng, mọi người quanh nhà trọ và thậm chí còn hắt hủi cả con nhỏ. Chị không cho con bú cũng không bế con, thậm chí mọi người đưa con đến gần chị còn đẩy ra với vẻ tức giận. Chồng chị thấy lạ nên đưa chị đến bệnh viện chuyên khoa để khám. Bác sĩ kết luận chị T. mắc bệnh trầm cảm sau sinh và yêu cầu bệnh nhân phải nhập viện để điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết trầm cảm sau sinh là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng vì ảnh hưởng tiêu cực đến người mẹ, gia đình, sự tương tác giữa mẹ - con và về sự phát triển nhận thức của người con.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 7 phụ nữ thai sản thì có 1 người bị trầm cảm (tỷ lệ 13-15%), bao gồm các giai đoạn trầm cảm chủ yếu và nhẹ trong khi mang thai hoặc trong 12 tháng đầu sau khi sinh. Tại Việt Nam, qua một số nghiên cứu, tỷ lệ trầm cảm sau sinh chiếm từ 13-18%.

* Có thể phòng ngừa được

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, nguyên nhân của trầm cảm sơ sinh vẫn còn chưa rõ ràng, bao gồm yếu tố sinh học và yếu tố xã hội. Một số yếu tố tâm lý, tâm lý xã hội đã được chứng minh có liên quan đến trầm cảm sau sinh như: có tiền sử trầm cảm, thất nghiệp, thu nhập thấp, học vấn thấp, thai ngoài ý muốn, giới tính của con, sức khỏe con yếu, không cho con bú mẹ, con chết sau sinh, mối quan hệ vợ chồng trước hoặc sau sinh không tốt, thiếu sự hỗ trợ của gia đình, bạo lực từ chồng hoặc gia đình…

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, cho rằng bệnh trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu sản phụ cùng người thân hiểu rõ những thay đổi  tâm sinh lý của phụ nữ trong quá trình mang thai để có sự cảm thông và chia sẻ.

Chính vì vậy, đối tượng trong các chương trình lớp tiền sản do bệnh viện tổ chức, ngoài những thai phụ còn có người thân, đặc biệt là chồng của thai phụ, cũng được nghe về những tiến triển của thai kỳ; cách động viên, an ủi giúp vợ vượt cạn thành công cũng như biết cách chăm sóc phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh. Chính tình yêu thương, sự quan tâm sẽ giúp sản phụ phòng ngừa các sang chấn tâm lý dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh.

Trong trường hợp phát hiện phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh, để điều trị bệnh hiệu quả theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, ngoài sự kết hợp giữa bác sĩ sản khoa, bác sĩ tâm lý thì cần phải có sự giúp đỡ từ phía gia đình, các thành viên trong gia đình cần tạo ra không khí vui tươi thoải mái, tình cảm, thường xuyên chăm sóc quan tâm đến người bệnh và em bé để người mẹ cảm thấy yên tâm, không bị cảm giác tủi thân hay lo lắng.

Cũng theo bác sĩ Hoan, điều quan trọng là không gây áp lực, căng thẳng mà phải tạo ra bầu không khí thoải mái, ân cần, chăm sóc các bà mẹ sau khi sinh chu đáo là một cách phòng ngừa bệnh trầm cảm sau sinh hiệu quả nhất.