LÀM ĐẸP TỰ NHIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Sức khỏe
  • Lý giải nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt

Lý giải nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt phần lớn là do một loạt các hiện tượng đột biến gene chứ không phải chỉ là một vài khiếm khuyết gene dễ nhận biết.

Lý giải nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mãn tính và nghiêm trọng nó làm ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ, cảm nhận và cư xử. Những người bị bệnh tâm thần phân liệt thường có những hành vi, lời nói, cảm xúc bất thường, không trùng khớp với thực tại. Những người bị tâm thần phân liệt có vẻ như họ đã mất đi khả năng liên lạc với thực tế, niềm tin của họ bị sai lệch, suy nghĩ không rõ ràng hoặc bối rối.

Nguyên nhân của tâm thần phân liệt bao gồm yếu tố môi trường và yếu tố di truyền. Các yếu tố môi trường là do sử dụng các chất kích thích làm ảnh hưởng đến não, căng thẳng, stress, mệt mỏi trong công việc, trong học tập, bị chấn động mạnh về mặt tâm lý, sốc. Còn các yếu tố về di truyền có thể là do một loạt các biến thể di truyền phổ biến và hiếm gặp. Bệnh tâm thần phân liệt thường bắt đầu từ khoảng 16 – 30 tuổi, trong một số ít trường hợp thì trẻ em cũng có thể bị bệnh.

Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã phát hiện rằng bệnh tâm thần phân liệt phần lớn là do một loạt hiện tượng đột biến gene hiếm thấy gây ra chứ không chỉ là một vài khiếm khuyết gene rất dễ nhận biết.

Đây là kết quả của hai công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Học viện Broad ở bang Massachusetts (Mỹ), được đăng trên tạp chí Nature của Anh. Thu thập dữ liệu khảo sát trên tổng số gần 7.000 người ở Bulgaria và Thụy Điển, nhóm chuyên gia đã tiến hành phân tích và nhận thấy những gene gây ra tâm thần phân liệt hoạt động theo nhóm và phá vỡ các protein riêng biệt. Những gene này có xu hướng nằm trong hệ thống gene chi phối những tín hiệu giữa não và các tế bào, hoặc quyết định khả năng học tập và trí nhớ.

Nhà khoa học Shaun Purcell thuộc Học viện Broad ở bang Massachusetts (Mỹ) cho biết, nhiều gene có nguy cơ gây ra tâm thần phần liệt vì vậy hai bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể không có cùng một nhận dạng đối với các gene nguy cơ đó.

Trong hai công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh chuỗi gene của 2.500 bệnh nhân tâm thần phân liệt tại Thụy Điển với số lượng tương tự những người khỏe mạnh nhằm tìm ra vị trí và hình thức đột biến gene. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn so sánh chuỗi gene của hơn 600 bệnh nhân và cha mẹ của họ. Cả hai nghiên cứu đều cung cấp thêm bằng chứng rằng các rối loạn đều phát sinh từ sự ảnh hưởng của nhiều gene kết hợp, hay còn được gọi là "đa gene”, ngoài ra còn từ những biến đổi di truyền có xu hướng tập trung tại một vài hệ thống gene liên quan đến chức năng.

Theo thống kê, cứ 100 người trên thế giới thì có một người mắc tâm thần phân liệt. Chỉ tính riêng tại Mỹ, hiện có tới 2,4 triệu người trưởng thành đang phải sống chung với căn bệnh này.