LÀM ĐẸP TỰ NHIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Sức khỏe
  • Trẻ tự kỷ gian nan đường đến trường vì… thiếu luật?

Trẻ tự kỷ gian nan đường đến trường vì… thiếu luật?

Có những trường từ chối nhận dạy trẻ tự kỷ với lý do cơ sở vật chất và hiểu biết của giáo viên đối với hội chứng này còn hạn chế, không thể chăm sóc tốt cho cháu. Có trường nhận rồi nhưng vì đi học vài hôm, thấy cháu quậy phá các bạn không học được, phụ huynh đồng loạt yêu cầu nhà trường phải có biện pháp nên cô giáo đành năn nỉ gia đình chuyển trường khác cho con...

Năm học 2011- 2012, TP Hà Nội có hơn 1.000 trẻ tự kỷ đang học cấp tiểu học. Và trong những ngày đầu năm nay, tại nhiều trường ở Hà Nội đã có không ít phụ huynh ngấp nghé đến đặt đơn xin cho con vào học năm học tới, lý do khiến họ phải đưa đơn sớm vậy vì lo con tự kỷ sẽ bị từ chối.

Tuy nhiên, đó vẫn đang chỉ là bước đầu đầy gian nan khi mà tại các nhà trường hiện nay chưa có giáo viên chuyên biệt và căn bệnh tự kỉ vẫn chưa được gọi với đúng tên của nó...

Được đi học, được hòa nhập đang là ước mơ của trẻ tự kỷ. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, không phải nhân vật trong bài
Được đi học, được hòa nhập đang là ước mơ của trẻ tự kỷ. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, không phải nhân vật trong bài

Áp lực với thầy cô

Chị N.T.M.H phụ huynh của một học sinh tự kỷ đang theo học hòa nhập lớp 4 tại một trường tiểu học của quận Hoàng Mai- Hà Nội cho biết, ban đầu khi có kết luận của bác sĩ rằng con mình bị mắc chứng tự kỷ thì bản thân chị bị sốc nặng và đã mất thời gian khá dài trong tuyệt vọng tìm phương pháp chữa trị cho con.

Và khi vượt qua cú sốc, chị hiểu rằng để đẩy lùi chứng tự kỷ ở trẻ chính là sự tỉ mỉ yêu thương của cha mẹ và bước tiến từ giáo dục cá nhân đến giáo dục hòa nhập tại các nhà trường là bước đột phá quan trọng mang lại sự cải thiện rõ nét nhất đối với quá trình chữa trị cho các em.

Tuy nhiên, mẹ cậu bé cho biết, với chứng tự kỷ của con, cả gia đình đã rất lo lắng khi cậu được 6 tuổi và vào lớp 1. “Liệu nhà trường có chấp nhận con mình không? Nếu không theo được các bạn thì biết đưa con đi đâu? Vào trường chuyên biệt liệu có phải là dấu chấm hết cho khả năng được hòa nhập của con?...”.

Đó cũng là nỗi lo chung của tất cả các phụ huynh có con mắc căn bệnh này. Và đường đến trường của các em không hề đơn giản khi mà có những trường từ chối với lý do cơ sở vật chất và hiểu biết của giáo viên đối với hội chứng này còn hạn chế, không thể chăm sóc tốt cho cháu.

Có trường nhận rồi nhưng vì đi học vài hôm, thấy cháu quậy phá các bạn không học được, phụ huynh đồng loạt yêu cầu nhà trường phải có biện pháp nên cô giáo lại đành nói chuyện với gia đình, năn nỉ chuyển trường khác cho con.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP. Hà Nội, cũng thừa nhận việc dạy trẻ tự kỷ ở Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Công việc này đòi hỏi giáo viên phải vừa có chuyên môn cao vừa có tinh thần trách nhiệm và tình thương con trẻ. Thêm nữa, việc nhận trẻ khuyết tật vào lớp sẽ khiến giáo viên gặp rất nhiều áp lực.

Việc đánh giá chất lượng hiện nay dựa trên tỉ lệ bao nhiêu học sinh khá, giỏi trong lớp, các giáo viên luôn nhìn vào nhau để cố gắng không thua kém đồng nghiệp nên có thêm một học sinh trung bình là điều không ai muốn. Ông Lê Văn Tạc, GĐ Trung tâm Giáo dục đặc biệt Viện KHGD, cho rằng phải thay đổi cách đánh giá thì giáo viên mới có thể bớt áp lực trong việc nhận học sinh tự kỷ vào lớp mình.

“Mẹ mong con đừng lớn!”

Tại Hà Nội, trong số trẻ khuyết tật học đường, trẻ tự kỷ chiếm 30%. Riêng cấp tiểu học, theo thống kê mới nhất, hiện toàn thành phố có 1021 học sinh đang học hòa nhập tại các trường trên địa bàn, trong đó khoảng 80% học sinh mắc chứng tự kỷ và kết quả cho thấy, giáo dục hòa nhập đang là mô hình tối ưu nhất để cải thiện tình trạng tự kỷ ở trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, GĐ Trung tâm Hỗ trợ giáo dục trẻ đặc biệt Trường CĐ Sư phạm Trung ương 3, cho rằng trẻ tự kỷ có nhiều cấp độ. Chỉ có 10%-15% bị bệnh nặng có thể chuyển sang khuyết tật trí tuệ, còn lại đa số đều có thể trở thành người bình thường nếu được giáo dục trong môi trường hòa nhập từ nhỏ.

Cô Đỗ Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 2B trường Tiểu học Mai Dịch, Cầu Giấy chia sẻ, đầu năm học này, cô rất lo lắng khi  lớp nhận hai học sinh mắc chứng tự kỷ trong khi cô hoàn toàn chưa có kinh nghiệm đối với những trường hợp như vậy. Hai học sinh cùng mắc chứng tự kỷ nhưng mỗi em lại có những biểu hiện khác nhau.

Nhiều lúc cô mệt mỏi và bất lực trước phản ứng không bình thường của các em nhưng với kinh nghiệm có được từ giáo viên nhà trường, sự hỗ trợ của phụ huynh để áp dụng phương pháp giáo dục thích hợp và đặc biệt là sự giúp đỡ của chính những em học sinh trong lớp, cả hai học sinh tự kỷ đều tiến bộ không ngừng và thích ứng tốt với môi trường sinh hoạt của lớp.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, hiện tại quận đang có 105 học sinh mắc chứng tự kỷ đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Quận Cầu Giấy đang áp dụng hình thức bổ sung thêm một giáo viên hỗ trợ cho 2 học sinh tự kỷ cùng kèm cặp các em với giáo viên chủ nhiệm.

“Chúng tôi đã kết hợp với trường Mầm non Ngôi Sao Sáng là trường chuyên nhận trẻ đặc biệt. Các cô mầm non sẽ theo các con vào lớp 1 để con có thời gian thích nghi với điều kiện học tập mới, đồng thời hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm có phương pháp giáo dục thích hợp. Tất nhiên để thực hiện được điều này phải có sự hỗ trợ kinh phí từ phụ huynh” - bà Xuyến cho biết.

Và tại trường Tiểu học Mai Dịch, 7 trong số 8 học sinh mắc chứng tự kỷ đã được lên lớp 2 trong năm học 2011-2012 và trường tiếp tục nhận thêm 7 trường hợp nữa vào lớp 1.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy, chia sẻ rằng 3 năm nay trường đã tiếp nhận học sinh tự kỷ. Với những trường hợp này, các cô giáo phải phối hợp rất chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục trẻ. Thậm chí, những lúc cần thiết, phụ huynh phải đến trường cùng con vì trẻ không kiểm soát được mình, quậy phá không cho các bạn học hoặc thích ngủ thì ngủ, muốn chơi là chơi.

Thế nhưng, tất cả đó mới chỉ là bước đầu, khi con càng lớn, nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh là càng lên lớp cao, trẻ tự kỷ càng đuối vì khối lượng kiến thức quá nhiều cộng với khoảng cách ngày càng xa giữa nhận thức của trẻ bình thường với trẻ tự kỷ. Rồi tương lai các em sẽ ra sao, các em có thể tự bước đi trong cuộc đời rộng lớn này không?... Chính vì thế, có phụ huynh trong nỗi đau khôn cùng trên hành trình gian nan này đã thốt lên: “ Mẹ mong con đừng lớn!”...

Có nên được quy định trong luật?

Thực tế, từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã có quy định các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ tiếp nhận người khuyết tật đến học hòa nhập. Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, từ nhiều năm nay, Hà Nội đã rất quan tâm đến vấn đề giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong đó có trẻ tự kỷ. Sở chỉ đạo các nhà trường tiếp nhận, tạo mọi điều kiện cho học sinh tự kỷ hòa nhập tốt nhất trong môi trường giáo dục bình thường.

Sở thường xuyên tổ chức tập huấn cho giáo viên, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm GD, phối hợp, gặp gỡ gia đình để tìm phương pháp tốt nhất cải thiện tình trạng cho trẻ tự kỷ. Ông Tiến chia sẻ, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật nói chung là một công việc khó khăn, phức tạp.

Đánh giá và nhận biết dấu hiệu của trẻ tự kỷ không khó, tuy nhiên đến hiện nay chúng ta chưa có một khái niệm nào rõ ràng và còn đang tranh cãi việc “tự kỷ” có phải là một dạng “khuyết tật” hay không. PGS, TS. Lê Văn Tạc cho biết, hiện nay chứng tự kỷ vẫn chưa có trong pháp luật về người khuyết tật.

Hiện nay ngành GD Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chưa hề có chính sách hỗ trợ đặc biệt nào cho giáo viên làm công tác này. Tuy nhiên, vì trách nhiệm, tình thương đối với các cháu mà các giáo viên không quản ngại khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vậy, nên chăng, các nhà làm luật cần suy nghĩ về vấn đề này.

Ông Lâm Tường Vũ (Chủ tịch CLB Gia đình trẻ tự kỉ Hà Nội):

 Tự kỉ đang “đứng bên lề” pháp luật

 “Nghiên cứu Luật về người khuyết tật, chúng tôi rất xúc động, vì có rất nhiều quy định thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật đặc biệt là các quy định về giáo dục hoà nhập, bán hoà nhập và chuyên biệt, chủ chương đầu tư xây dựng các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập….

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghèn nghẹn cảm giác là nhóm người tự kỷ chỉ nằm ở “bên lề” của luật. Ước mong lớn nhất của chúng tôi là một ngày nào đó dạng tật “tự kỷ” được công nhận bằng văn bản pháp luật chính thức như các dạng khuyết tật khác để người mắc chứng tự kỷ được hưởng các chính sách khác về giáo dục, việc làm phù hợp".